Muốn đánh bại Thái Lan hãy ‘chiến’ như Singapore & hãy ném ‘bãi nước bọt’ của Theerathon khỏi cái đầu

N
Bình luận: 0Lượt xem: 4,799
Bốn năm không thắng được Việt Nam, người Thái sướng rơn trong người và bản thân một vài cầu thủ đã khiêu khích một cách vô văn hoá. Nhưng tối nay, câu chuyện ấy phải được “ném” ra khỏi những cái đầu, vì chỉ cần một tích tắc bốc đồng, mọi thứ sẽ đổ ra sông ra biển.

Người Singapore không biết… cúi đầu


Sân vận động quốc gia Singapore (hay còn gọi là sân Kallang) đã được chứng kiến một trận đấu có thể nói là “điên rồ” nhất trong các kỳ AFF Cup được tổ chức. Những sai lầm của trọng tài đã đẩy chủ nhà vào “bi kịch. Nhưng từ trong “bi kịch” 3 cầu thủ phải nhận thẻ đỏ ấy, Singapore đã cho thấy được tinh thần bất khuất của mình. Họ không cúi đầu trước đối thủ, không thối chí trước tiếng “còi méo” của ông Vua áo đen người Oman - Kassem Matar Al Hatmi. Thậm chí, nếu tiền đạo Ramli quyết đoán hơn trên chấm phạt đền ở những phút bù giờ, họ đã tiễn Indonesia thay vì ngục ngã khi vắt kiệt sức trong 2 hiệp phụ.

Bóng đá luôn nghiệt ngã! Nghiệt ngã bởi những định mệnh, những “bí hiểm” lạ lùng và cả những điều “thấy bằng mắt” trên sân. Cần phải nói lại, trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai AFF Cup 2020, Singapore đã đánh bại Thái Lan để làm chủ nhà. Với bất kỳ giải đấu bóng đá hay thể thao nào, chủ nhà luôn nhận được sự ưu ái “tất tần tật” mọi thứ.​
261871616_329108448834174_5181692649667230740_n.jpeg
Việt Nam tránh mất người, hay những lỗi đáng tiếc như Singapore

Thậm chí, có những nước chủ nhà sẵn sàng chơi “đòn bẩn” để giành thành tích bằng mọi giá. Lạ lùng thay, điều ngược lại đã diễn ra với chủ nhà Singapore. Tối qua, những ông Vua áo đen đã biến sân nhà của Singapore thành “thánh địa” của Indonesia khi đưa ra những quyết định làm “dậy sóng” dư luận và các CĐV.

Những sai lầm về chuyên môn của trọng tài không thể tránh khỏi nhưng với ông Kassem Matar Al Hatmi và các trợ lý, họ đáng bị chê trách và đáng phải nhận những chỉ trích khi làm tổn thương những CĐV Singapore bằng những tiếng còi thiếu “tư cách” nghề nghiệp.

Dù sao Singapore cũng đã ngẩng cao đầu rời AFF Cup khi họ đã tận hiến, đã chiến đấu tới giọt sức cuối cùng. Và chúng tôi tin, nếu có một giải thưởng cống hiến, có lẽ thầy trò Yoshida xếp số 2 thì không ai xứng đáng xếp vị trí số 1.

Những ký ức chưa phai

Nhìn cái cách Singapore khốn khổ, quằn quại thi đấu với 8 người trên sân ở những phút cuối hiệp phụ, người ta lại nhớ đến trận bán kết giữa Việt Nam và Indonesia tại AFF Cup 2016 trên sân Mỹ Đình.

Khi đối thủ đang dẫn 1-0, Vũ Minh Tuấn từ băng ghế dự bị đã gỡ hoà 1-1 ở những giây cuối cùng và thổi bùng lên những hy vọng sẽ làm nên lịch sử. Rốt cuộc, ĐT Việt Nam cũng gục ngã ở hiệp phụ khi thủ môn Nguyên Mạnh phải nhận thẻ đỏ phải rời sân giống như “người nhện” Hassan Sunny của Singapore tối qua.

Người sắm vai thủ môn bất đắc dĩ năm ấy là Quế Ngọc Hải hẳn vẫn chưa quên ký ức đứng trong cầu môn và được chứng kiến cảnh tượng các cầu thủ Indonesia cầm bóng đan lát, hành hạ các đồng đội của mình trong thế bị mất người. Việt Nam đã thua nhưng họ vẫn xứng đáng nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng cho tinh thần không bỏ cuộc.​
263563912_882327959098553_2210312091078046693_n.jpeg
Quế Ngọc Hải và các đồng đội cần có sự tỉnh táo tránh phân tâm vào những chuyện không đáng có

Tối nay (26/12), trên sân Kallang, hẳn nhiều người cũng cầu mong, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ bước vào trận chiến với Thái Lan với tinh thần như Singapore và tinh thần đã chiến với Indonesia năm nào.

Thế nhưng, Việt Nam phải thật tỉnh táo để không đi vào “vết xe đổ” như đội bóng đảo quốc sư tử. Thực tế, Singapore đã bị mất người bởi những tấm thẻ đỏ quá nặng tay của trọng tài, nhưng lỗi lầm bắt đầu từ việc, họ không kiểm soát được cái đầu nóng trên sân. Ví như trung vệ Baharudin tranh cãi với trọng tài và phải nhận thẻ vàng thứ 2 một cách lãng nhách.

Phải ném “bãi nước bọt” Theerathon ra khỏi cái đầu

Hình ảnh của Baharudin chắc chắn sẽ khiến nhiều người nhớ đến những tấm thẻ vàng không đáng của Quế Ngọc Hải, của Văn Thanh, của Quang Hải ở trận lượt đi. Ở thời điểm cần sự bình tĩnh nhất, các học trò của ông Park rơi vào chiếc bẫy khiêu khích của đối thủ.

Người Thái mà tiêu biểu ở đây là Bunthaman Theerathon đã thành công với những quái chiêu của mình. Cũng chính Theerathon là người đang “gây chiến” với hành động nhổ nước bọt, khiêu khích khi đi ngang qua cabin ban huấn luyện ĐT Việt Nam.
263666514_337880507845717_5502326129429030302_n.jpeg
Thái Lan sẽ tiếp tục sử dụng mọi phương án để giành chiến chắng ở trận bán kết lượt về

Dám tin, nếu bạn là HLV Park Hang Seo, là các trợ lý, đội ngũ y tế, hay các cầu thủ đều khó có thể bỏ qua những hành động “vô văn hoá” như vậy trong bóng đá. Và dám chắc, trong số đó, sẽ có người ghim vào đầu tư tưởng phải “chơi cho nó bớt láo đi”.​
Để đánh bại một đối thủ như Thái Lan đã khó, sẽ càng khó khi đã bị dẫn sâu đến 2 bàn. Chính vì vậy, công việc đầu tiên của các học trò ông Park là họ phải “ném” hình ảnh “bãi nước bọt” của Theerathon khỏi cái đầu. Họ cần tránh bị lôi vào những cãi vã, ăn thua đủ với đối phương khi diễn ra va chạm trên sân.

Điều đó không hề thừa bởi lượt về sẽ còn căng thẳng và áp lực hơi rất nhiều. Rất có thể, Thái Lan sẽ có thêm những chiêu trò nhằm làm phân tâm đối phương. Nói cách khác, người Thái sẽ làm mọi thứ, ngay cả việc dùng phong thuỷ để “át vía” đối thủ cũng không loại trừ…

Ngoài cường địch, Việt Nam cũng cần chuẩn bị một kịch bản khác dành cho một “đối thủ” là trọng tài. Singapore còn bị ép trên sân nhà, thì Việt Nam chẳng là cái gì với các ông Vua áo đen. Bài học ở trận bán kết lượt đi hẳn vẫn còn nguyên tính thời sự với Việt Nam. Cho nên, các học trò ông Park cần phải tránh những rắc rối liên quan đến chuyện phản ứng hay những pha bóng không cần thiết.

Tóm lại, bây giờ với Việt Nam “tứ bề là thọ địch”. Đầu tiên, chúng ta phải chiến thắng chính bản thân mình bằng việc kiểm soát lý trí, rồi sau đó mới tính tới việc đánh bại đối thủ như thế nào.​
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên