
17 năm sau trải nghiệm ngắn ngủi và không mấy ấn tượng tại Nam Định, Herve Reynard đang dẫn dắt tuyển Saudi Arabia, với hy vọng chấn hưng nền bóng đá một thời là cường quốc của bóng đá châu Á. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đội bóng này tới World Cup 2022, vị chiến lược gia người Pháp còn tạo nên địa chấn khi đánh bại Argentina trong trận mở màn.
Renard sinh năm 1968, có một sự nghiệp cầu thủ khá trầm lặng ở vị trí hậu vệ qua 3 các CLB trong nước như AS Cannas, Stade de Vallauris và SC Draguignan. Sau khi giải nghệ vào năm 1998, ông mưu sinh bằng nghề lao công, (Vâng! Nhân viên dọn vệ sinh) cho đội bóng Draguignan. Cũng tại đội bóng này, Renard được bổ nhiệm làm… HLV trưởng từ năm 1999 đến 2001. Vì vậy, công việc của ông sẽ là sáng dọn dẹp vệ sinh sân bóng, chiều dẫn dắt các cầu thủ. Thật kỳ khôi khi hình dung Pep Guardiola hay Jurgen Klopp làm những công việc như vậy tại Man City và Liverpool, nhưng tại một đội bóng hạng 9 nước Pháp thì đó cũng là điều dễ hiểu.
Ngã rẽ đầu tiên trong sự nghiệp của Renard là rời quê hương bản quán để theo chân ông thầy Claude Le Roy, người từng dẫn dắt ĐT Cameroon giành vé dự World Cup 1998 sang làm việc tại Shanghai Cosco trong vai trò trợ lý HLV. Sau đó, bộ đôi này “dinh tê” về cựu lục địa và dẫn dắt CLB Cambridge United ở giải League Two. Tại đội bóng này, Le Roy thực ra chỉ đứng tên để tạo điều kiện để Renard làm nhiệm vụ dẫn dắt. Đến cuối mùa giải 2003/04, Renard “chính thức” được bổ nhiệm làm HLV.
Quãng thời gian Renard dẫn dắt Cambridge United, đội bóng thi đấu không thành công. Trong 26 trận chỉ thắng 5 và thua tới 14 cũng như bị xuống hạng. Đến tháng 12/2004 thì vị chiến lược gia người Pháp bị sa thải. Tuy nhiên, tài cầm quân của vị chiến lược gia này đã manh nha phát tiết quá sự ghi nhận của các học trò.
Một trong những quyết định đầu tiên của Renard khi dẫn dắt Cambridge là chọn John Ruddy làm thủ thành số một của đội bóng. “Herve là một phần quan trọng trong sự nghiệp của tôi vì tôi không nghĩ có HLV nào sẽ trao cơ hội cho một cậu bé 17 tuổi, nhất là khi tôi mới tập tành gác đền từ năm 14 tuổi”, Ruddy chia sẻ. “Tôi không chỉ thiếu kinh nghiệm ở cấp đội một mà cả ở khía cạnh thủ môn nói chung. 14 phút đầu trận ra mắt, tôi hầu như không bắt được trái bóng nào. Tôi rất lo sợ, nhưng Herve là người rất giỏi trong việc khiến bạn cảm thấy mình đủ giỏi”. Ngày hôm ấy, Ruddy cản phá được 1 quả phạt đền và Cambridge giành chiến thắng 1-0. Những màn trình diễn tiếp theo giúp thủ thành này được thử việc ở Manchester United và đầu quân cho Everton với giá 250.000 bảng.

Khác với phong thái trầm lắng của Leroy, Renard là mẫu đàn ông Pháp đặc trưng. Tóc vàng, rẽ ngôi, mũi dọc dừa cao tít tắp và thân hình săn chắc như một nam thần. Về tính cách, vị chiến lược gia này cực kỳ sôi nổi và hoạt náo. Ông luôn quyết tâm để đảm bảo mọi người biết đích xác những gì ông kỳ vọng ở họ. “Tôi nghĩ cách ông ấy muốn chơi vào thời điểm đó rất khác so với những gì xuất hiện ở League Two và có lẽ sẽ phù hợp hơn với bóng đá đương đại”, Rudy đánh giá lại về ông thầy cũ.
Renard rất chú trọng vào lối chơi dựa trên khả năng kiểm soát bóng. Không có bóng, các tiền đạo được kỳ vọng sẽ dẫn đầu các cuộc vây ráp để giành lại bóng càng nhanh càng tốt. Thể lực là điều tối quan trọng và chế độ tập luyện của ông trở nên khét tiếng.
“Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với Herve là cường độ làm việc ông ấy yêu cầu. Không chỉ trên sân tập mà cả trong phòng gym vẫn phải thể hiện hết bản thân”, Ruddy, thủ thành đang thuộc biên chế Wolverhampton tiếp tục. “Giai đoạn trước mùa giải dưới thời ông ấy là khoảng thời gian khó khăn nhất tôi từng trải qua”.
“Herve từng rủ chúng tôi plank trong vòng 2 phút và tôi nhớ mình đã run bần bật. Tất cả những gì ông ấy làm tiếp theo là cười và hét vào mặt tôi: “Nào John! Cố lên đi chứ”. Ông ấy cũng thường xuyên tập gập bụng với các hiệp 5 phút, một người có thể trạng thật tuyệt”.
“Herve có thể chạy 11-12 km mỗi ngày mà không gặp bất cứ vấn đề gì”, Shane Tudor, chân sút hàng đầu của Cambridge dưới thời Renard nói thêm. “Cơ thể của ông ấy gióng như một vị thần Hy Lạp. Andy Duncan, thủ quân của đội bóng lúc đó lại nhớ về khả năng “tập luyện 3 cữ một ngày và luôn có mặt trên sân lúc 6h sáng” của Renard.
Tiền đạo Jermaine Easter, người từng khoác áo Crystal Palace và Millwall đã hết lời khen ngợi Renard. “Hervé đã làm những việc vào năm 2004 mà tôi đã không làm với bất kỳ HLV nào khác cho đến 5 hoặc 6 năm sau đó. Anh ấy ở một đẳng cấp khác về thể lực và dinh dưỡng. Không có nước sốt nên đồ ăn khá nhạt nhẽo nhưng nó giúp giảm tỷ lệ chất béo của các cầu thủ. Có rất nhiều ứng dụng khoa học thể thao trong cách quản lý của Herve”.
Vậy tại sao cuộc cách mạng của Renard không đem lại thành công? Câu trả lời của Tudor là không có gì đáng tiếc: “Các cầu thủ không đủ chất lượng và ông ấy chưa hiểu rõ về giải đấu hạng thấp. Herve đòi hỏi trên khả năng của các cầu thủ”. Sully Seychelles là một ví dụ. Tiền đạo này khi gia nhập Cambridge United đã tự ví mình với Thierry Henry nhưng thực tế anh ta thất bại ngay từ màn ra mắt.

Sau khi chia tay sân cỏ nước Anh, Renard tiếp tục lang bạt với một thử thách xa lạ ở Việt Nam, với lời mời từ CLB Sông Đà Nam Định, nay là CLB Nam Định. Tuy nhiên, phương cách huấn luyện của vị chiến lược gia người Pháp không thể nào phù hợp với thể chất cầu thủ Việt lúc bấy giờ. Hơn nữa, môi trường V.League còn quá xa lạ với Renard. Ông loại đội trưởng Văn Sỹ lẫn chủ công Trung Kiên của CLB một cách quá cứng rắn và dẫn đến xung đột với ban lãnh đạo. Rốt cuộc, chỉ sau vài tháng, Renard phải nói lời chia tay dải đất hình chữ S.
Sau cú vấp ở V.League, Renard hồi hương dẫn dắt AS Cherbourg trong giai đoạn 2005-2007 để chờ thời. Và cơ hội lại đến với Renard từ ông thầy Le Roy. Lần này, cả hai cùng đến châu Phi. Renard làm trợ lý cho Le Roy tại tuyển Ghana và đưa đội bóng này giành vị trí thứ ba tại Giải vô địch bóng đá châu Phi.
Đến ngày 7/5/2008, Renard một lần nữa rẽ riêng với quyết định nhận lời dẫn dắt tuyển Zambia. Cùng đội bóng này, ông lập kỳ tích lọt vào đến CAN 2010. Sau đó vị chiến lược gia người Pháp lang bạt ở đội tuyển Angola và CLB USM Alger trước khi trở lại dẫn dắt Zambia vào tháng 11/2011. Trong nhiệm kỳ này, ông và các học trò làm nên chiến tích lịch sử khi đánh bại đội tuyển Bờ Biển Nga hùng cường với những Yaya hay Kolo Toure sau loạt đá luân lưu trong trận chung kết, qua đó giúp Zambia vô địch CAN lần đầu tiên trong lịch sử.
Sau chiến quả này, tên tuổi Renard được định danh. Ông kinh qua một số CLB và đội tuyển tên tuổi, tuy nhiên kỳ lạ là chỉ thành công tại châu Phi. Năm 2015, ông dẫn dắt Bờ Biển Ngà vô địch CAN, trở thành HLV duy nhất vô địch châu Phi 2 lần với 2 ĐTQG khác nhau. Sau đó, ông dẫn dắt Morocco giành vé dự World Cup 2018 sau 20 năm chờ đợi, chiến quả xứng đáng cho mức lương cao nhất lục địa đen mà ông được nhận. Thế nên, Renard từng nói: “Ở Phi châu tôi cảm thấy được tự do. Lục địa này đã mang đến cho tôi sự công nhận đặc biệt”.
Để phần nào lý giải thành công của Renard tại châu Phi, có thể viện dẫn qua phương pháp huấn luyện đặc trung của vị chiến lược gia này. Sau gần 20 năm, phong cách đào tạo khắc nghiệt và kiểm soát trong từng chi tiết đã trở nên thịnh hành và được chấp nhận rộng rãi trên khắp thế giới. Do đó, Renard không còn gặp phải rào cản về mặt con người. Không những thể, Phi châu với nguồn gen phong phú nhất hành tinh, với những cầu thủ đặc biệt dồi dào thể lực quá ư phù hợp cho phong cách máu lửa của vị chiến lược gia người Pháp.
Nhưng thành công là không dừng lại. Sau khi gặt hái đủ vinh quang tại lục địa đen, Renard tiếp nhận thử thách mới với việc trở thành HLV trưởng ĐT Saudi Arabia từ năm 2019 đến nay. Trong 2 năm qua, ông đã đưa đại diện Tây Á đi rất xa, xa tới mức đánh bại cả Argentina và Lionel Messi.