Giá trị khổng lồ của AFCON

Đặng Xá
Bình luận: 0Lượt xem: 1,234

Đặng Xá

Administrator
Nhân viên
Để hiểu tầm quan trọng của AFCON, chúng ta nên bắt đầu nhìn vào vị trí của châu Phi trên bản đồ thế giới. Thực sự châu Phi có diện tích rất lớn. Châu lục này có diện tích 11,7 triệu dặm vuông. Để dễ hình dung, châu Phi có thể chứa phần đất liền của cả Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi nữa. 20% diện tích phần đất liền của trái đất là châu Phi.

Afcon-00.jpg

Khi đã hiểu sự rộng lớn của châu Phi, tiếp đến bạn phải chú ý tới những thành phần làm nên nó. Nếu nhìn vào bản đồ trái đất, có lẽ sẽ có người hỏi tại sao các quốc gia châu Âu và Nam Mỹ lại có đường biên giới liền với núi hoặc sông, trong khi các đất nước châu Phi thì thường là một đường thẳng.

Vết sẹo thuộc địa của châu Phi vẫn còn hiện rõ hàng ngày, dù các đế quốc, thực dân cũ có muốn quên đi như thế nào đi chăng nữa. Châu Phi vừa già nhưng cũng vừa trẻ. Ghana là quốc gia châu Phi Hạ Sahara đầu tiên giành độc lập (6/3/1957). Vì thế chưa đầy 2 tháng nữa quốc gia này sẽ tròn 65 tuổi.

Kế đến hãy bàn đến các con số. Ngày nay châu Phi có 54 quốc gia theo số liệu của Liên hợp Quốc. Tổng dân số của châu lục này vào khoảng 1,3 tỷ người – chiếm khoảng 16% dân số thế giới. Tại đây ước tính có khoảng 2000 ngôn ngữ khác nhau được sử dụng, để thấy rõ sự đa dạng bạn chỉ cần so sánh với châu Âu – nơi chỉ có khoảng 300 ngôn ngữ được dùng.

Mỗi giải đấu bóng đá quốc tế lại có ý nghĩa riêng với mỗi người hâm mộ. Thế giới quan của kỳ Euro năm ngoái rất khác so với giải đấu 5 năm trước. Bạn sẽ bước vào World Cup 2022 tháng 11 năm nay với nhận thức, suy nghĩ khác so với giải đấu năm 2018. Bóng đá thay đổi và phát triển, những nhân vật chính trong đó là các cầu thủ sẽ trưởng thành, có tuổi, giải nghệ và được thay thế bằng người khác.

Mỗi giải đấu lại chứng kiến mối liên kết giữa người xem và các cầu thủ biến đổi, phát triển. Sự kết nối đó ở giải vô địch châu Phi (AFCON) rất khác với những gì người hâm mộ bóng đá châu Âu thấy trước đó.

“Đối với người hâm mộ trẻ, những giải đấu lớn đầu tiên là những bài học nhanh về địa lý, và đó là lúc bạn nhận ra rằng ngoài kia có cả một thế giới rộng lớn”, Salim Masoud Said – cây bút bóng đá về châu Phi chia sẻ.

Afcon-01.jpg
Người hâm mộ Burkina Faso tại trận bán kết AFCON 1998 của ĐTQG nước nhà và Ai Cập

“AFCON là giải đấu lớn đầu tiên mà tôi nhớ là mình xem khi còn nhỏ ở Tanzania. Vì thế giải đấu đó rất mang nhiều kỷ niệm cá nhân. Tôi nhớ Burkina Faso – chủ nhà của giải đấu năm 1998 – đã nhận huy chương đồng là một trong những ký ức bóng đá đầu đời. Có thể điều đó không quan trọng với nhiều người nhưng lại rất quan trọng với tôi vì trước giải đấu ấy, tôi chưa bao giờ nghe tên về quốc gia này”.

Bóng đá có khả năng mở ra những cánh cửa và kể các câu chuyện từ những thế giới mà chúng ta không biết. Nhưng rất tiếc, đến nay vẫn có nhiều luồng ý kiến phủ nhận tầm quan trọng của AFCON với cộng đồng bóng đá.

Đầu tháng này, tiền đạo Sebastien Haller đã được phóng viên hỏi liệu anh muốn ở lại Ajax để thi đấu hay lên đội tuyển quốc gia để tham dự AFCON. Chân sút người Bờ Biển Ngà đáp trả thẳng thắn: “Một câu hỏi rất thiếu tôn trọng với châu Phi. Liệu anh có hỏi câu này với một cầu thủ châu Âu trước thềm Euro không? Tất nhiên là tôi sẽ tham dự AFCON”.

Cựu tiền đạo Ian Wright phát biểu trên truyền thông rằng giải đấu “hoàn toàn bị nhuốm màu phân biệt chủng tộc”. HLV Patrick Vieira thì kêu gọi những người trong giới truyền thông bóng đá “hãy đến châu Phi và phỏng vấn mọi người ở đó để thực sự hiểu giải đấu này có ý nghĩa ra sao”.

Salim Masoud Said cho biết: “Khi gia đình tôi chuyển đến Anh, trong suốt vài tuần AFCON là cách tuyệt vời để gia đình tôi kết nối lại với châu lục và nguồn cội. Bố tôi vẫn thường than thở về chất lượng của các trận đấu”.

Điểm này chính là điều khiến AFCON thường bị xem nhẹ. Có những mệnh đề quen thuộc bạn có thể đã nghe: Lịch AFCON quá lệch với bóng đá châu Âu. AFCON đáng lẽ nên diễn ra 4 năm 1 lần thay vì 2 năm 1 lần. Chất lượng sân bãi của giải đấu thì quá tệ và chất lượng thủ môn cũng vậy. Ngoài ra, bóng đá châu Phi thì đầy rẫy tham nhũng.

Afcon-02.jpg
Didier Drogba tại lễ bốc thăm chia bảng AFCON 2021 vào tháng 8 năm ngoái

Chính vì lẽ đó, mọi người có cơ sở để nghi ngờ về giải đấu này. Đặc biệt, đại dịch toàn cầu vẫn đang diễn ra trong khi ở quốc gia đăng cai Cameroon đang có một cuộc nội chiến ngầm đe doạ cuộc sống nhiều người. Sự an toàn chính là yếu tố tiên quyết trước khi bất cứ giải AFCON nào bắt đầu.

Đáng lẽ Cameroon đã đăng cai giải đấu năm 2019, nhưng cuộc khủng hoảng Anglophone đã đe doạ giải đấu khiến Cameroon bị tước quyền đăng cai và Ai Cập là nước thay thế. Điều tương tự cũng xảy ra vào năm 2017 khi giải đấu được tổ chức ở Gabon thay vì lựa chọn ban đầu là Libya. Năm 2015, Morocco ban đầu là nước chủ nhà nhưng đại dịch Ebola khiến quyền đăng cai được chuyển sang cho Guinea Xích Đạo.

Như đã đề cập ở trên, những vết sẹo thuộc địa của châu Phi rất dễ nhận ra, nhưng vẫn có những vết thương mới xuất hiện. Các giải đấu AFCON có thể là những giải đấu nguy hiểm với người tham dự và chúng ta không nên xem nhẹ điều này. Tuy nhiên, chúng ta nên đặt những nỗi sợ hãi đó vào trong bối cảnh. Nếu có những câu hỏi dấy lên về Covid-19 ở Cameroon vào năm nay, chúng ta cũng nên hỏi về việc các quốc gia châu Phi được tiếp cận vắc-xin ra sao.

AFCON là một giải đấu khác biệt, thường khiến người hâm mộ và các HLV châu Âu khó chịu. Trong 65 năm tồn tại, giải đấu này hiếm khi được khán giả phương Tây nhìn nhận một cách có thiện cảm. Đến nay giải đấu đã có 14 nhà vô địch, trong đó Ai Cập là đội tuyển thành công nhất với 7 lần lên ngôi. Samuel Eto’o – người đang giữ kỷ lục ghi bàn ở giải đấu với 18 pha lập công trong 6 giải đấu đã tham dự - gần đây chia sẻ với The Athletic rằng để bóng đá châu Phi phát triển thì giáo dục và sự đồng lòng là yếu tố quan trọng bởi lục địa đen không hề thiếu nhân tài.

Afcon-03.jpg
Moda, linh vật của AFCON 2021 diễu hành vòng quanh thủ đô Yaounde, nước chủ nhà Cameroon

Tại AFCON, bạn có thể nghe thấy những bài quốc ca được các cầu thủ, HLV và người hâm mộ hát lên với lòng tự hào tràn đầy. Với AFCON, bạn không thể đánh giá giống như World Cup hay Euro. Đây là giải đấu của những nhà vô địch bất ngờ, những loạt luân lưu hỗn loạn và một thế hệ vàng đôi khi cũng không đảm bảo thành công (hãy hỏi Didier Drogba thì rõ).

Chỉ số bàn thắng kỳ vọng cũng không thể định lượng được những gì Aristide Bance đã làm trong thập kỷ trước. Bạn có thể tìm thấy Bance trên Wikipedia, anh đã thi đấu từ Cape Town (Nam Phi) cho đến Kazakhstan, giữa đó là quãng thời gian dừng chân ở Ukraine, Bờ Biển Ngà, Phần Lan, Qatar, Latvia, Ai Cập, Đức,… Nhưng với hai kỳ AFCON toả sáng, anh là một trong những cầu thủ đáng chú ý nhất lịch sử giải đấu với những bàn thắng đưa Burkina Faso vào chung kết năm 2013 và tấm huy chương đồng 4 năm sau.

Để hiểu đúng về AFCON, bạn cần biết câu chuyện của Kalusha Bwalya – cầu thủ Zambia duy nhất đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của châu Phi (1988) – nhưng đã mất 18 đồng đội vào năm 1993 sau một vụ tai nạn hàng không tại Gabon. Bwalya và Zambia chỉ xuất hiện một cách chớp nhoáng tại các kỳ AFCON năm 1994 và 1996, trước khi Zambia vô địch vào năm 2012.

Có một bức ảnh Bwalya – khi ấy là chủ tịch liên đoàn bóng đá Bwalya – nhận cúp thay cả đội. Nhìn rộng ra, có thể thấy dường như ông đang nhận cúp thay những người đồng đội đã mất nhiều năm trướ. Nhìn gương mặt của Bwaly khi đó bạn sẽ hiểu sức mạnh của AFCON to lớn thế nào.

Bây giờ AFCON đã khác. Hiện tại giải đấu có 24 đội, sau khi được nâng lên từ 16 đội vào năm 2019. Một số ông lớn đang đến giai đoạn cuối của “Thế hệ vàng”, trong khi các đội tuyển Nigeria, Algeria, Ai Cập hay Morocco đang bước vào giai đoạn đỉnh cao.

Nhờ FIFA sửa những quy định vào năm 2020 mà đã có nhiều cầu thủ thuộc thế hệ nhập cư thứ nhất, thứ hai và thứ ba có thể thi đấu cho quê cha đất tổ. Ví dụ nếu bình phục Covid-19, tài năng trẻ Hannibal Mejbri của Manchester United – cầu thủ sinh ra tại Paris – có thể toả sáng trong màu áo Tusinia.

Các trận đấu của AFCON sẽ không giống như các trận đấu bạn thường thấy ở châu Âu hay Nam Mỹ. Nó mang những đặc trưng riêng về nhịp điệu, lối chơi và cả chiến thuật. Nhìn rộng ra, mỗi khi một kỳ AFCON đến, bạn sẽ lại nhìn nó bằng con mắt hoài nghi và bằng cách nào đó sẽ hạ thấp tầm quan trọng của nó với cộng đồng bóng đá thế giới. Nhưng bạn không thể nào xem thường AFCON và chôn vùi nó, vì đó cũng là nguồn vui của cả một cộng đồng châu Phi.

Theo The Athletic
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên