Phủi thủ Nguyễn Văn Cáp vốn được biết đến với biệt danh “Vua phủi” Sài thành. Ngoài niềm đam mê cho quả bóng tròn, anh còn gắn bó với công việc thiện nguyện và mong muốn cuộc sống của bà con sẽ vơi đi một phần khó khăn.

“Vua phủi” Nguyễn Văn Cáp sinh ra và lớn lên tại vùng đất Quảng Trị. Từ nhỏ, anh đã có thời gian tập luyện ở đội bóng năng khiếu trẻ của tỉnh nhưng cơ duyên đã không mỉm cười với anh. Vì thế Văn Cáp đã quyết định rẽ sang một hướng khác để tìm một sân chơi phù hợp hơn mà vẫn thỏa mãn được đam mê bóng đá bất tận trong mình.
Hàng ngày, Văn Cáp vẫn xách giày ra sân chơi cùng những người anh em, nhưng là sân bóng mini 5 người. Càng chơi, Văn Cáp càng cho thấy mình là một phần khác biệt so với phần còn lại đội bóng. Bằng đôi chân khéo léo và kỹ năng chơi bóng toàn diện của mình, Capdervilar đã khẳng định được thương hiệu và biến mình trở thành cái tên hot nhất trên khắp các sân bóng cỏ nhân tạo Sài Gòn thời điểm hiện tại.

Nguyễn Văn Cáp được mệnh danh là "Vua phủi" Sài thành
Capdervilar vốn là công nhân tại Công ty CP Cấp nước Thủ Đức. Dù công việc hằng ngày có phần nặng nhọc, nhưng "Vua phủi" vẫn thu xếp thời gian sau giờ tan ca để đến đi đá thỏa mãn niềm đam mê với trái bóng tròn. Nhiệt huyết với môn thể thao vua, Văn Cáp tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, quần khắp mặt sân, khắp các giải đấu từ Nam ra Bắc.
Trả lời báo chí anh tâm sự: “Tôi tranh thủ thời gian và sắp xếp công việc hợp lý để được thi đấu, cọ xát ở nhiều giải bóng đá phong trào khác nhau. Đó là niềm vui của tôi sau những ngày làm việc mệt mỏi và cũng khiến tinh thần được thư thái, sức khỏe dẻo dai hơn. May mắn, gia đình luôn ủng hộ và là nền tảng vững chãi, tạo mọi điều kiện giúp tôi thỏa đam mê của mình.”
Ngoài thời gian làm việc và chơi bóng, “Vua phủi” còn rất hăng hái tổ chức những đợt thiện nguyện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nói về lý do khiến anh tham gia những hoạt động từ thiện, Văn Cáp chia sẻ:
“Tôi vốn sinh ra ở mảnh đất Quảng Trị, vùng đất máu đổ suốt thời chiến vì bom đạn, người dân ở đây còn nghèo. Khi vào Sài Gòn lập nghiệp, gặp những hoàn cảnh khó khăn, tôi quyết định đứng ra tổ chức những đợt thiện nguyện. Trong đầu cứ nghĩ, làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Ngoài thời gian đi làm ở Công ty cấp nước và nuôi dưỡng đam mê, Capdervilar còn rất năng nổ trong hoạt động thiện nguyện
Ban đầu, tôi chỉ tự làm, nhưng về sau kết nối được các mạnh thường quân để cùng mình giúp đỡ bà con. Trong mùa dịch, để hỗ trợ người cao tuổi mất việc làm, tôi đứng ra kêu gọi mạnh thường quân cấp cho mỗi người 3-5 triệu để mua thuốc men, lương thực thực phẩm. Bà bầu đẻ tôi cũng giúp phần sữa, tả để lo cho mấy đứa nhỏ.”
Nói về những kỉ niệm đáng nhớ của bản thân khi đi làm thiện nguyện, Văn Cáp bộc bạch:“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là giải đấu ‘Cho đi là mãi mãi’ ở TPHCM. nhằm quyên góp ủng hộ cho người thân của 13 nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông ở Quảng Nam vào năm 2018. Tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Bên cạnh đó, ở ‘đầu cầu’ Quảng Trị, anh Trần Hà, đồng đội của tôi cũng kêu gọi được 50 triệu đồng. Tổng số tiền đợt đó là 200 triệu đồng và tôi đã đến tận nơi trao cho người nhà nạn nhân.”

Cũng giống như bao người khác, khi dịch COVID-19 ấp đến, Capdervilar mất đi nhiều nguồn thu nhập từ việc đá phủi cho đến cửa hàng thể thao và công việc ở công ty Cấp nước Thủ Đức. Mặt khác, quán nước của vợ anh cũng phải đóng cửa khiến sinh hoạt của cả gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, Văn Cáp được xác định có liên quan đến 1 ca F0 và phải cách ly tại nhà.
“Khi nhận được tin mình trở thành F1, điều đầu tiên khiến tôi lo lắng là liên lụy đến vợ con mình. Cửa hàng thể thao của tôi cũng phải đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát. Nhưng may mắn là được người chủ hỗ trợ giảm chi phí thuê mặt bằng nên khó khăn cũng vơi đi bớt một phần”, Văn Cáp tiết lộ.
Sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại nhà, “Vua phủi” tiếp tục gắn bó với con đường thiện nguyện. Thông qua mối quan hệ của mình, Văn Cáp kêu gọi được những phần lương thực, thực phẩm để hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoặc không có điều kiện ra đường mua vật phẩm.

Dù gia đình của "Vua phủi" gặp không ít khó khăn trong dịch, thế nhưng với tấm lòng của mình, anh đã kết nối các mạnh thường quân để trao tặng những phần quà đến bà con
“Tình hình chung của dịch bệnh lần này khiến cho nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn. Có người dành dụm hay vẫn có công ăn việc làm trong mùa dịch vẫn có thể duy trì cuộc sống. Nhưng đối với những người “làm bữa nào, ăn bữa đó” sẽ không còn tiền để mua thực phẩm thiết yếu. Tôi kết nối những mạnh thường quân đến những hoàn cảnh như vậy để họ có thể sẻ chia phần nào khó khăn cho người dân”, Phủi thủ sinh năm 1987 chia sẻ.
Ngoài ra, Văn Cáp còn tiết lộ việc làm từ thiện của mình trong thời gian này nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các anh em thân thiết trong giới phủi và những đồng hương ở mảnh đất Quảng Trị.
“Tôi may mắn được sự ủng hộ nhiệt tình từ các nhà hảo tâm, nhà báo và anh em trong giới phủi. Đặc biệt là chị Phan Thanh Truyền – Chủ tịch của đội bóng đá phủi Kingtek. Mỗi lần tôi kêu gọi hỗ trợ, chị đều ủng hộ bằng tiền mặt. Trong lần phát quà cho các bé thiếu nhi nhân dịp trung thu vừa qua, chị Truyền cũng đã hỗ trợ 5 triệu đồng.
Hai người bạn của tôi ở Quảng Trị là Vũ Hèm và Trọng Luân cũng đã gửi vào hơn 400kg cá nục tươi được câu từ biển và rau củ quả để tiếp tế cho người dân ở đây. Anh Phạm Hùng của đội HAT cũng đã ủng hộ gần 1 tấn gạo cho bà con. Ngoài ra,còn có nghệ sĩ Trần Bùm và rất nhiều anh em khác đã hỗ trợ tôi đi thiện nguyện trong thời gian qua, tôi không thể liệt kê được hết vì quá nhiều”, Văn Cáp kể lại.
Bên cạnh đó, biết được tấm lòng thiện nguyện của “Vua phủi”, anh Thanh "ba gác" và hai nhà báo Trần Hải, Đình Thảo còn phụ vận chuyển lương thực từ đi phân phối cho bà con, góp một phần sức cùng Capdervilar cống hiến cho xã hội. Thậm chí, trong quá trình vận chuyển, anh Thanh "ba gác" còn trở thành F0.

Ngoài các mạnh thường quân, "Vua phủi" Capdervilar còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ những anh em thân thiết trong giới phủi
“Vua phủi” Capdervilar quả thật là một tấm gương tốt trong xã hội. Dù biết dịch bệnh vẫn đang hoành hành và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng anh vẫn xông pha, chỉ với mục đích giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch, đúng với tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
“Ban đầu, tôi cũng hơi lo sợ mình có thể sẽ dính COVID khi đi thiện nguyện. Mặt khác, do khu vực tôi sinh sống là vùng đỏ nên chính quyền địa phương cũng yêu cầu tôi ở nhà. Nhưng may mắn tôi được công ty hỗ trợ về phần giấy tờ, và khi hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine, tôi cứ thế xông pha đi giúp đỡ người khác.Tôi hy vọng toàn dân Việt Nam sẽ tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, chỉ ra khỏi đường khi cần thiết. Như vậy tình hình dịch bệnh trong nước mới khả quan hơn được. Khi mọi người nâng cao ý thức phòng chống COVID, chúng ta mới có thể trở lại những ngày bình thường”, Phủi thủ sinh năm 1987 trải lòng.